Thế nào là nhà ngõ cụt . Có nên mua nhà ở hẻm cụt không?
Thế nào là nhà ngõ cụt ? Có nên mua nhà ngõ cụt không ? Là 2 câu hỏi được rất nhiều khách hàng quan tâm khi chọn lựa tổ ấm tương lai của mình.
Một căn nhà ngõ cụt, dù đẹp những vẫn luôn rẻ hơn so với các căn phía trước. Bởi nó có thể gây bất lợi cho gia chủ. Pháp lý phức tạp, lưu thông bất tiện, xây sửa khó khăn, xấu về phong thủy… là những chướng ngại mà người mua nhà trong ngõ cụt, hẻm nhỏ phải tính đến.
Theo quyết định số 88 ban hành năm 2007 của UBND TP HCM về lộ giới và quản lý đường hẻm trong các khu dân cư hiện hữu.Đường hẻm là các tuyến đường phục vụ giao thông nội bộ khu vực và có lộ giới nhỏ hơn 12m.
Phạm vi áp dụng của quyết định này là các quận nội thành cũ tại TP HCM bao gồm các quận: 1,3,4,5,6,8,10, Tân Bình, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận. Nhà trong hẻm tức là mặt tiền lộ giới của tuyến đường trước nhà nhỏ hơn hoặc bằng 12m.
THẾ NÀO LÀ NHÀ NGÕ CỤT ?
Hẻm lại được phân ra 4 loại: chính, nhánh, cụt, chung:
- Hẻm chính là đường hẻm được nối thông vào đường phố (loại đường khu vực có lộ giới lớn hơn 12m) và các hẻm nhánh hoặc hẻm cụt khác.
- Hẻm nhánh là đường hẻm được nối vào đường phố hoặc hẻm chính, hoặc có liên thông với hẻm khác.
- Hẻm cụt là đường hẻm chỉ nối một đầu vào đường hẻm khác hoặc đường phố.
- Lối đi chung là đường hẻm cụt phục vụ giao thông nội bộ cho một số căn hộ, được hình thành khi phân tách lô đất. Theo quyết định này, độ rộng của hẻm tối thiểu phải là 3,5m, song hiện trạng tại TP HCM có hàng chục nghìn con hẻm cần phải được chỉnh trang do nhỏ hơn cả chiều rộng tối thiểu 3,5m, thậm chí nhiều con hẻm lòng đường chỉ vừa một xe gắn máy đi lọt.
CÓ NÊN MUA NHÀ NGÕ CỤT KHÔNG ?
Đối với phong thủy mà nói, vị trí khi chọn mua nhà là rất quan trọng. Tuy nhiên phong thủy cũng đưa ra các trường hợp vị trí mà tốt nhất là không nên mua trong đó có vị trí ở trong hẻm cụt.
Nhiều người nghĩ rằng mua nhà ở cuối hẻm sẽ có không gian yên tĩnh, thoải mái, nhất là ở những thành phố nữa ở trong hẻm cụt sẽ không bị ảnh hưởng bởi bụi và tiếng ồn cũng không phải lo lắng bị người khác làm phiền. Tuy nhiên đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Đây chỉ là những lợi ích rất nhỏ so với vô số những bất lợi mà vị trí ngôi nhà này mang lại.
Trong phong thủy học, mua nhà ở hẻm cụt ít nhận được năng lượng, hơn nữa còn xảy ra hiện tượng tụ khí gây bất lợi cho gia chủ cũng như những người sống trong ngôi nhà ở hẻm cụt. Vậy có nên mua nhà ở cuối ngõ cụt hay mua nhà trong hẻm cụt hay không. Câu trả lời chính là không nên. Sau đây hãy cùng Cát Tường Land phân tích các lí do không nên mua nhà ở hẻm cụt.
Nhà ngõ cụt rất nguy hiểm khi xảy ra hoả hoạn
Bất lợi đầu tiên phải kể đến khi sống trong những ngôi nhà cuối hẻm đó là nó rất nguy hiểm khi xảy ra hỏa hoạn. Bạn nên nhớ rằng, nhà ở cuối hẻm có nghĩa là sẽ không có đường để đi tiếp, bạn vào nhà hay ra khỏi nhà chỉ đi duy nhất bằng một con đường. Chính vì vậy đây cũng là mối nguy hiểm mà bạn cần phải đặc biệt lưu tâm.
Vì thế những gia đình có nhà ở hẻm cụt nên tìm hiểu cách thi công bông thủy tinh cách nhiệt chống cháy và những vật liệu chống cháy khác để đảm bảo an toàn. Đây là vấn để mà bạn cần phải tính trước và cân nhắc rất kỹ khi quyết định mua nhà, đất trong hẻm.
Kể cả đối với việc cứu hộ hay bảo đảm an toàn cho những gia đình ở trong hẻm cụt cũng rất khó khăn hoặc dễ bị bỏ xót vì nếu là những ngôi nhà nhỏ thì sẽ ở góc khuất, bị che chắn bởi những ngôi nhà khác. Đối với việc tìm hiểu phong thủy cho nhà trong hẻm cụt thì đây là vấn đề rất quan trọng khi mà một loạt các vụ hỏa hoạn xảy ra thường xuyên trong thời gian gần đây.
Lưu thông bất tiện
Nhà ở cuối hẻm chỉ có một con đường dẫn vào nhà nên giao thông không thuận lợi, những phương tiện giao thông kích thước lớn như ô tô, taxi không vào trong hẻm được. Đối với những gia đình sở hữu ô tô thì phải gửi bên ngoài rất bất tiện.
Nhà hẻm càng nhỏ thì di chuyển càng vất vả, đó là chưa kể tình trạng lấn hẻm để kinh doanh, xả rác, để xe vô tội vạ. Đặc biệt khi hữu sự, có cháy nổ, ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp đều chật vật khó khăn không chỉ vì lưu thông tắc nghẽn mà còn không có chỗ đỗ xe.
Rủi ro pháp lý cao
Vấn đề quan trọng đầu tiên bạn cần phải chú trọng khi quyết định mua một căn nhà là tìm hiểu tính pháp lý của căn nhà đó, đặc biệt là những căn nhà nằm sâu trong ngõ.
Để biết nhà không nằm diện quy hoạch, bạn cần bỏ công sức lên phòng tài nguyên môi trường của địa phương đó để tìm hiểu qui hoạch.
Lưu ý nhà nằm trong hẻm càng nhỏ thì rủi ro pháp lý càng cao. Nếu lộ giới hẻm đang nhỏ (3,5m trở xuống), rất nhiều khả năng hẻm phải được chỉnh trang và quy hoạch lại.
Trường hợp hẻm chưa được chỉnh trang mà nằm trong quy hoạch treo, chủ nhà sẽ không được sửa chữa, cơi nới, thay đổi hiện trạng đang có của nhà mình. Nhiều người đã rất khốn khổ vì quy hoạch treo này. Đó là chưa kể nhà trong hẻm thường bị cơi nới, lấn chiếm lòng hẻm, xây dựng sai phép có thể khiến công trình khó hoàn công.
Không hoàn công được đồng nghĩa với việc không thể xin cấp sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất).
Thanh khoản kém hơn nhà hẻm to
Thanh khoản nhà trong hẻm cụt kém hơn những căn nhà hẻm to. Những nhà đầu tư khôn ngoan có câu nói cửa miệng là thà đổ tiền vào nhà nhỏ trong hẻm to còn hơn là mua nhà to trong hẻm nhỏ là vì lý do này.
Nhà trong hẻm nhỏ giá thường rẻ nhưng lại phải tốn chi phí tân trang sửa chữa liên miên. Vì vậy khó tránh cảnh mua dễ bán khó hoặc kéo dài thời gian thương lượng, khó chốt giao dịch.
Giá trị bị giảm sút
Hẻm càng nhỏ, giá trị căn nhà càng bị giảm sút so với tài sản ở vị trí khác có cùng giá trị.
Khi cần tiền, bán nhà trong hẻm nhỏ thường bị ép giá, gặp rất nhiều trở ngại trong việc thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng do bị định giá quá thấp. Đơn cử nhà tại hẻm Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM diện tích đất 92m2, giá chỉ có 4,5 tỷ (chưa thương lượng), tương đương 49 triệu đồng một m2, trong khi cách đó vài căn một căn nhà nằm ở ngã ba lòng hẻm to hơn, xe hơi ra vào được lại có giá bán lên đến gần 80 triệu đồng.
Tốn kém chi phí khi xây dựng, sửa chữa
Xây dựng, sửa chữa nhà trong hẻm nhỏ, đường cụt thường bị đội chi phí rất nhiều so với những vị trí khác.
Do không có chỗ chứa vật tư, vận chuyển vật liệu nhiều lần bị hao hụt, mất thời gian, tốn thêm chi phí nhân công. Thêm nữa, trong quá trình xây dựng khó tránh khỏi ảnh hưởng tường chung, vách chung, chống thấm khó khăn do ứ đọng nước nhà bên cạnh. Nhẹ thì xử lý nhanh thông qua thỏa thuận, nặng có thể tranh chấp kéo dài.
Bên cạnh đó, nhà cuối hẻm chịu rất nhiều hạn chế về kiến trúc, nó không thể xây đẹp như các vị trí khác. Nhà cuối hẻm thường bố trí rất khó khăn, việc xắp đặt hệ thống thông gió và chiếu sáng tự nhiên cho ngôi nhà là rất khó, thậm chí đối với nhiều nơi là không thể.
Môi trường sống phức tạp
Môi trường xã hội trong hẻm cụt thường chỉ ở mức trung bình trở xuống. Văn hóa nhà trong hẻm nhỏ phức tạp hơn chung cư gấp nhiều lần vì không có ban quản lý đôn đốc nhắc nhở mà chủ yếu vận hành trên tinh thần tự giác.
Tính riêng tư bị hạn chế vì lòng hẻm quá hẹp, tập trung rác thải sinh hoạt không đúng nơi, mua bán lấn chiếm khuôn viên hẻm, cơi nới bằng cách đỗ xe, chứa đồ cũ ngay lòng hẻm, nạn trộm cắp… khá phổ biến. Điều này càng góp phần khiến nhà hẻm kén khách hơn các tài sản khác hoặc có tính thách đố cao đối với giới đầu tư.
PHONG THUỶ CỦA NHÀ HẺM CỤT
Những căn nhà cuối hẻm thường mang lại vận khí xấu do con đường cụt làm sinh khí trong mảnh đất không được tương thông, lưu chuyển tuần hoàn nên dễ xảy ra tình trạng bế khí. Chính điều này mà những người hiểu về phong thủy họ sẽ không chọn mua những ngôi nhà ở vị trí này.
Theo các chuyên gia phong thủy nhà nằm cuối hẻm thì việc đón dòng khí dẫn từ ngoài vào sẽ kém hơn các nhà khác, những nhà cuối ngõ rất yếu khí. Bởi những luồng khí tốt lùa vào thường sẽ mạnh ở đầu ngõ và yếu dần khi đến cuối ngõ, hẻm càng dài, càng quanh co thì khí càng bị thất thoát nhiều. Ngoài ra, nhà cuối hẻm không có sự trao đổi khí thường xuyên dễ xảy ra tình trạng bế khí không tốt.
Bên cạnh đó, không khí ô nhiễm đọng lại ở cuối ngõ sẽ làm cho cơ thể con người dễ bị bệnh tật, ốm yếu… Hơn nữa, nhà cuối ngõ không có sự trao đổi khí thường xuyên dễ xảy ra tình trạng bế khí không tốt.
Thậm chí, trong quan niệm dân gian, nhà ở ngõ cụt thường sẽ dễ mang đến thiên tai và các hiểm họa tổn tài cho gia chủ.
HOÁ GIẢI PHONG THUỶ CHO NHÀ HẺM CỤT
Nhà trong hẻm cụt bị coi là hình thế xấu. Nhưng nếu biết cách bài trí sẽ hóa giải được và không ảnh hưởng đến gia chủ. Dưới đây là một số cách hóa giải đơn giản và khá hiệu quả cho phong thủy cho nhà trong hẻm cụt :
- Nếu nhà bạn ở vị trí này và không thể chuyển đi mua một căn nhà ở vị trí khác tốt hơn thì bạn nên giành một khoảng sân đủ rộng ở trước nhà để tích khí giúp nhà có một minh đường thoáng rộng, sáng sủa, giúp không gian được lưu thông.
- Bố trí sân vườn phía sau: Nếu mảnh đất có diện tích đủ lớn, có thể thiết kế không gian thoải mái, gia chủ nên bố trí thêm cả một khoảng sân vườn phía sau để khí có thể lưu thông tốt hơn nữa.
- Không thiết kế ban công nhô ra ngoài: Tầm nhìn trong hẻm hạn chế hơn so với ngoài đường lớn, do đó tránh thiết kế ban công nhô ra ngoài kẻo tầm nhìn càng bị che khuất.
- Riêng với nền hẻm phía trước nhà nên làm bằng hoặc cao hơn theo độ nghiêng thích hợp so với phần đường phía ngoài để tránh tù đọng nước, không tốt cho sức khỏe và cả tài lộc của gia chủ.
KẾT LUẬN
Vị trí nhà ở được coi là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong phong thủy nhà ở, tuy nhiên ngày nay với tình hình đất chật người đông ở các đô thị, các thành phố thì việc tận dụng mua nhà, mua đất ở trong hẻm cụt là điểu không tránh khỏi với nhiều gia đình hoặc là ngôi nhà đã có từ thế hệ trước truyền lại.
Các bạn nên chú ý để giữ cho khoảng đường vào nhà sạch sẽ và sử dụng những cách hóa giải phong thủy cho nhà trong hẻm cụt để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, mặc dù không thể khắc phục hoàn toàn nhưng nó giúp các gia đình an tâm hơn và bớt rủi ro hơn. Chúc các bạn may mắn.
Việc mua được một căn nhà tốt trong hẻm với giá cả phải chăng đòi hỏi nhiều yếu tố. Hy vọng với bài viết bổ ích này, bạn đọc sẽ tự đưa ra những nhận định đúng đắn khi chọn lựa loại hình nhà đất này.
Alonhadat theo Camnangphongthuy